Phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phát triển các tổ chức trung gian hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, gia tăng hoạt động chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt đẩy mạnh hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là những giải pháp sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tập trung thực hiện trong thời gian tới để thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đưa ra tại Hội nghị “Phát triển thị trường KH&CN” do Bộ KH&CN tổ chức ngày 14/11/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh.


Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, thời gian qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phát triển thị trường KH&CN được triển khai nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt là các vấn đề về giao quyền sở hữu, về quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, về định giá các kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ,…

Tính đến hết năm 2015, cả nước có khoảng 2.800 doanh nghiệp KH&CN. Trong đó, 204 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, 23 doanh nghiệp công nghệ cao, 400 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghệ cao. Cả nước hiện có 8 sàn giao dịch công nghệ, 63 trung tâm ứng dụng và phát triển công nghệ, 43 vườn ươm công nghệ và doanh nghiệp KH&CN. Các sự kiện chợ công nghệ, thiết bị (Techmart), kết nối cung cầu công nghệ (Techdemo), ngày hội khởi nghiệp công nghệ (Techfest) cũng đã tạo được hiệu ứng tích cực đối với thị trường KH&CN trong nước.

Thông qua các sàn giao dịch công nghệ, trong giai đoạn 2011 – 2015, đã có khoảng 500 hợp đồng và biên bản ghi nhớ được ký kết và thực hiện với giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Qua các kỳ Techmart và Techdemo, hơn 2.000 hợp đồng và biên bản được ghi nhớ và ký kết với tổng giá trị giao dịch hơn 3.400 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch công nghệ giai đoạn 2011 – 2015 đạt hơn 13.700 tỷ đồng, tăng 3 lần so với giai đoạn 2006 – 2010. Tại nhiều địa phương, một số sàn giao dịch công nghệ hoạt động khá hiệu quả như tại TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Giang,…

Đối với loại hình tổ chức trung gian mới, cả nước hiện có 7 tổ chức giúp thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động tương đối hiệu quả trong việc đem đến những hỗ trợ toàn diện và tập trung hơn cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Chương trình Phát triển thị trường KH&CN đến năm 2020, được triển khai từ năm 2015 đến nay đã có những tác động tích cực, tạo ra giá trị gia tăng và hiệu quả đối với đời sống kinh tế – xã hội.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng công tác phát triển thị trường KH&CN vẫn còn gặp những khó khăn. Mối liên kết giữa nghiên cứu với thị trường, giữa nhà khoa học với doanh nghiệp còn yếu. Vai trò của các tổ chức trung gian chưa thể hiện được chức năng kết nối cung cầu, tư vấn chuyển giao công nghệ còn mờ nhạt. Hoạt động khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp còn đang ở tình trạng tự phát, thiếu sự liên kết và chưa thực sự đủ mạnh để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp.


Toàn cảnh Hội nghị Phát triển thị trường KH&CN

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh đến vai trò của việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, coi đây là một biện pháp đẩy mạnh sự phát triển thị trường KH&CN. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ. Cũng như các hoạt động xúc tiến chuyển giao công nghệ, để phát triển thành công từ ý tưởng sáng tạo, sản phẩm ban đầu rất cần có các định chế trung gian hỗ trợ doanh nghiệp như chia sẻ bí quyết kinh doanh công nghệ, tư vấn phát triển thị trường cho sản phẩm công nghệ,…

Vì vậy, trong thời gian tới, toàn ngành KH&CN tập trung triển khai thực hiện một số giải pháp quan trọng để phát triển thị trường KH&CN. Đó là tiếp tục triển khai các biện pháp phát triển các tổ chức trung gian truyền thống hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là các tổ chức xúc tiến chuyển giao công nghệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức môi giới công nghệ, định giá tài sản trí tuệ,… Tích cực tuyên truyền, gia tăng hoạt động chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước để thúc đẩy thương mại hóa, đưa công nghệ và sản phẩm công nghệ vào thực tiễn.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng nhấn mạnh đến việc xây dựng các chương trình KH&CN quy mô quốc gia, cấp tỉnh để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, cần tập trung hỗ trợ thành lập và phát triển các mô hình tổ chức trung gian kiểu mới. Việc thiết lập các hình thức liên kết với thị trường quốc tế nhằm gọi vốn, thoái vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở pháp lý cho hoạt động đầu tư mạo hiểm, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp,… cũng là những giải pháp mà ngành KH&CN cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.


Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang… đã tập trung thảo luận các vấn đề mà địa phương hiện đang gặp phải như đánh giá trình độ công nghệ, nhu cầu công nghệ trên địa bàn, cách thức phát triển tổ chức trung gian cho thị trường KH&CN, đánh giá công nghệ, giao quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu,… Qua đó, các địa phương đã đề xuất giải quyết những khó khăn trên. Đó là, cần hỗ trợ các địa phương trong việc đánh giá thực trạng phát triển thị trường KH&CN; có quy định chặt chẽ và hướng dẫn cụ thể đối với việc bảo hộ và phân chia quyền sở hữu các sản phẩm nghiên cứu khoa học; xây dựng cơ chế thúc đẩy kết nối thị trường KH&CN trong nước và nước ngoài; tổ chức các lớp đào tạo về quản lý công nghệ;…

Call Now