Nhà chùa với doanh nghiệp và doanh nghiệp với nhà chùa

Nguyễn Khắc Thuần

  1. Xưa nay, do thấy trong Thập giới (Dasa-sila) của người xuất gia tu hành có lời răn dạy thứ mười là không được tích chứa tiền, vàng bạc và báu vật nên rất nhiều người nghĩ rằng nhà Phật hoàn toàn xa lạ với doanh nghiệp nhưng thực ra lại không phải như vậy. Đúng là người tu hành không được tích chứa tiền, vàng bạc và báu vật cho riêng thân vì còn lo tích chứa cho riêng thân, lòng tham vẫn còn mà tham, sân, si là điều tối kỵ. Nhưng, tất cả những người nghĩ như vậy đã có sự nhầm lẫn giữa tích chứa cho riêng thân với việc vô tư tích góp cho nhà chùa để lo Phật sự và cứu giúp chúng sinh gặp điều chẳng lành. Khi cần, các bậc tu hành vẫn sẵn sàng vượt đường xa dặm dài để đi khuyến giáo và bách tính đã hoan hỷ đóng góp vì ai ai cũng đều biết rất rõ rằng các bậc tu hành chẳng xin gì cho riêng thân. Nói khác hơn, nhà chùa cũng cần có của cải, chỉ khác là của cải để trong chùa phải đúng là…của chùa. Lòng từ bi hỷ xả đã biến của cải thành phương tiện bảo vệ và tôn vinh đại đức làm người chứ không phải để lo vinh thân phì gia. Hầu như chùa nào cũng ít nhiều có báu vật nhưng đó là của cộng đồng, của chung văn hóa dân tộc, không hề mang tên sở hữu chủ là một bậc tu hành nào cả.
  1. Lịch sử được chứng giám hàng loạt doanh nghiệp sơ khai hình thành trong nhà chùa và đem lại lợi tức cho xã hội cũng không phải nhỏ. Sở dĩ nói đây là doanh nghiệp sơ khai vì tất cả còn rất giản đơn, điều hành rất có hiệu quả nhưng chẳng cần tới hệ thống chức danh như Hội đồng Quản trị hay Ban Giám đốc. Nhà chùa chưa bao giờ tự tuyên bố thành lập một doanh nghiệp nào và nói cho ngay, thời cổ và trung đại cũng chẳng có ai biết doanh nghiệp là gì. Nhưng xét phương cách tổ chức và điều hành sản xuất, chúng ta cũng không thể nào nói khác hơn rằng đó chính là những doanh nghiệp sơ khai. Hai loại hình doanh nghiệp sơ khai xuất hiện sớm nhất và được biết đến nhiều nhất là sản xuất nhang và tổ chức canh tác ruộng chùa.

Call Now