Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp: những vấn đề cốt lõi

Thời điểm hiện nay được cho là “thuận lợi” đối với startup, nhưng như vậy không có nghĩa doanh nghiệp cứ khởi nghiệp là sẽ thành công. Tuyển dụng đội ngũ nhân lực có trình độ, thiết kế và sản xuất sản phẩm đi kèm với thương hiệu và có bản quyền, xây dựng chiến lược bán hàng phù hợp với từng giai đoạn… là những vấn đề quan trọng mà bất kỳ một startup nào cũng phải tính đến.
Tại hội thảo “Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo”, tổ chức ngày 12-13/11 trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – Techfest Vietnam 2016, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã trao đổi, thảo luận về những giải pháp giúp các startup vượt qua những khó khăn ban đầu cũng như hạn chế nguy cơ thất bại.

“Khi tuyển dụng, vai trò của CEO quan trọng nhất”

Đây là thông điệp của anh Phan Viết Hoàn (Giám đốc điều hành Công ty Mywork) nêu ra trong phiên thảo luận về nội dung “Phát triển nhân lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, diễn ra chiều ngày 12/11. Anh cũng khẳng định vai trò “quan trọng” của các “fonder” đối với việc thu hút nhân tài. Dù startup có tinh thần nhiệt huyết, có ước mơ khởi nghiệp nhưng theo anh, “hãy tìm người để chia sẻ ước mơ ấy” và phải tìm được ai sẽ bù trừ cho những “khiếm khuyết” của mình.

Một startup muốn thành công, trước hết phải xây dựng cho mình một đội ngũ nhân viên có trình độ, nhưng muốn có được đội ngũ ấy, startup phải luôn nghĩ đến lợi ích của các thành viên trong nhóm. “Một người đơn độc sẽ không làm được việc gì lớn và chỉ làm việc theo nhóm mới đem lại hiệu quả” – anh Hoàn nhấn mạnh và cho biết thêm, “lợi ích ở đây không đơn thuần chỉ là lương”.

“Khi biết đặt giá trị của con người lên trên, bạn sẽ giữ chân được người tài. Với đội ngũ có trình độ, ý tưởng của bạn sẽ được triển khai rất nhanh. Vì thế, khi đã có ý tưởng, bạn cần tìm thật nhanh người tài, những người cùng chí hướng với mình” – anh Hoàn chia sẻ. Anh cũng nêu bật sự cần thiết phải có tiêu chí đối với từng vị trí tuyển dụng, có mô hình tuyển dụng và quá trình tuyển dụng để đảm bảo tìm được những người phù hợp nhất.


Diễn giả Phan Viết Hoàn trình bày tham luận về Phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp
dựa trên đổi mới sáng tạo.(Ảnh: Giáng Châu)

Khởi nghiệp tinh gọn: một phương pháp các startup nên tìm hiểu

Trong phiên thảo luận về phương thức phát triển khách hàng, diễn giả Nguyễn Đặng Tuấn Minh (đồng sáng lập và quản lý tổ chức KisStartup) khẳng định việc được tiếp cận với phương pháp khởi nghiệp tinh gọn đã giúp KisStartup đi đến thành công, dù đã trải qua nhiều lần thất bại. Vậy khởi nghiệp tinh gọn là gì?

Khởi nghiệp tinh gọn là một phương pháp khởi nghiệp đề cao sự thử nghiệm, dựa trên phản hồi của khách hàng để doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch. Khởi nghiệp tinh gọn mới được áp dụng vài năm gần đây trên thế giới nhưng chưa trở thành một phương thức chính thống. Những dự án khởi nghiệp tinh gọn sử dụng cách tiếp cận thị trường thông qua việc đưa sản phẩm ra thị trường để nhận phản hồi, từ đó kiểm tra độ chính xác của những giả định ban đầu. Sau đó, doanh nghiệp sử dụng những phản hồi này để điều chỉnh, từ đó bắt đầu kế hoạch làm việc phù hợp với những điều chỉnh đó. Khởi nghiệp tinh gọn áp dụng hình thức phát triển linh hoạt, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.

Hiện nay đã có những startup về công nghệ thông tin khởi nghiệp không cần vốn, còn startup trong các ngành đặc thù cần vốn đầu tư lớn như y tế, sinh học cũng cố tìm mọi cách giảm chi phí sản xuất để nhanh đưa sản phẩm ra thị trường. Áp dụng phương pháp khởi nghiệp tinh gọn sẽ là giúp startup phát triển sản phẩm theo cách phù hợp nhất với thị trường, với chi phí hợp lý nhất. Có như vậy, các startup mới gọi vốn thành công.

Đánh giá đúng năng lực và xác định đúng phân khúc thị trường

Hầu hết các chuyên gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đáng giá đúng năng lực của doanh nghiệp, từ đó xác định đúng thị trường mà startup muốn hướng tới. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường hiện nay, startup cần tập trung vào một phân khúc thị trường để đầu tư đúng và hiệu quả. Để giảm tối đa rủi ro, startup nên thử nghiệm sản phẩm cho một thị trường nhỏ trước khi mở rộng ra thị trường lớn.

Mọi tính toán đều rất cần thiết, từ tuyển dụng nhân lực đến nghiên cứu thị trường, từ đánh giá thực lực của công ty đến tìm hiểu khách hàng,v.v… Mỗi startup cũng cần xác định rõ mục tiêu mà mình theo đuổi. Một điểm quan trọng nữa mà các doanh nghiệp khởi nghiệp cần quan tâm, đó là học hỏi kinh nghiệm của những công ty đi trước.

Xây dựng thương hiệu để tạo ra sự khác biệt

Tại sao các startup là đơn vị mới thành lập lại phải quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu? Thương hiệu không đơn giản chỉ là logo của doanh nghiệp, còn nhiều yếu tố khác quan trọng không kém logo. Hình ảnh của doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm sẽ quyết định sự thành công.


Chuyên gia Nguyễn Quốc Thịnh: “Hãy tối đa hóa lợi nhuận của khách hàng” (Ảnh: Lê Loan)

Diễn giả Nguyễn Quốc Thịnh đến từ Trường Đại học Thương mại cho rằng, xây dựng thương hiệu không nhất thiết cần nhiều tiền, dẫu biết rằng việc xây dựng thương hiệu thực chất là tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Thông điệp mà ông Nguyễn Quốc Thịnh đưa ra là “Hãy vì giá trị của doanh nghiệp thay vì chỉ đi kiếm tìm lợi nhuận”. Theo ông, lợi nhuận chỉ nhất thời, bởi nếu quá vì lợi nhuận, doanh nghiêp tìm mọi cách giảm chi phí và như vậy, sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người lao động. Rất nhiều tài sản trí tuệ đang được doanh nghiệp sở hữu, vì vậy, chúng ta phải phát huy được những giá trị của tài sản trí tuệ, từ đó phát huy giá trị của doanh nghiệp.

Khi phát triển tài sản thương hiệu, doanh nghiệp sẽ được khách hàng biết đến, từ chỗ thấu hiểu doanh nghiệp, khách hàng sẽ đến với sản phẩm. Tất nhiên sản phẩm phải đảm bảo phù hợp với yêu cầu, sở thích và “túi tiền” của khách hàng. Khách hàng phải cảm thấy hài lòng khi bỏ tiền ra mua sản phẩm, và để thương hiệu bền vững, doanh nghiệp phải đảm bảo khách hàng hài lòng không chỉ lần đầu mua hàng mà với tất cả những lần mua sau.

Để làm được điều này, doanh nghiệp phải trải qua một quá trình xây dựng thương hiệu, gồm các bước: quản trị hệ thống dấu hiệu, quản trị phong cách và hình ảnh thương hiệu, quản trị tài sản thương hiệu. Ngoài ra, ông Thịnh cũng nêu những nguyên tắc khi xây dựng thương hiệu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc “tối đa hóa lợi nhuận” cho khách hàng, cụ thể là lợi ích về tinh thần và về lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm.

Hội thảo diễn ra trong 2 ngày thực sự đã tạo nhiều cơ hội để các startup tiếp cận các chuyên gia trong nước và quốc tế, được chia sẻ kinh nghiệm (dù của những doanh nghiệp thất bại hay thành công). Đây là những bài học quý báu cho những bạn trẻ đang ấp ủ hoài bão “ làm giàu từ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Call Now