Block "block-breadcrumbs" not found

Chế phẩm sinh học từ lá bàng thay thế kháng sinh trong nuôi thuỷ sản giành giải Quán quân cuộc thi Sinh viên với Ý tưởng Khởi nghiệp Sáng tạo năm 2023

NTTU – Sáng ngày 29/8/2023, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã long trọng tổ chức vòng chung kết Cuộc thi Sinh viên với Ý tưởng Khởi nghiệp Sáng tạo năm 2023. Cuộc thi do Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM và Sở khoa học Công nghệ TP. HCM cùng Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam và Câu lạc bộ Doanh nghiệp NTTU đồng tổ chức

Tham gia chương trình về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự hiện diện của PGS. TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng. Về phía Ban tổ chức có sự tham gia của PGS. TS. Bạch Long Giang, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp NTTU, Trưởng ban tổ chức; ThS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Nhà văn hoá sinh viên TP. HCM, đồng trưởng ban tổ chức; ThS. Huỳnh Hồng Mai, Phó Giám đốc Trung Giám đốc trung tâm Sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp NTTU.

Về phía Ban giám khảo có ThS. Nguyễn Lê Kha, Giám đốc Công ty cổ phẩn tư vấn đầu tư SIGMA, chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân IPO – Sihub, bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ Doanh nghiệp BSA; TS. Ngô Đắc Thuần – Chủ tịch Hội đồng công ty cổ phần IP – GROUP; ThS. Nguyễn Văn Ngà – Phó tổng giám đốc công ty MebiFarm – UV Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam; ThS. Lê Thị Bé Ba – Phó giám đốc Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM; Ông Huỳnh Thanh Vạn – Chủ tịch Hội đồng tư vấn khởi nghiệp phía Nam, Chủ tịch hội Hội đồng Công ty S Furniture; Bà Rose Nguyễn – CEO Viện nghiên cứu khoa học thẩm mỹ Paris; Bà Phan Thanh Quý Trúc – Phó trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ Sở khoa học và Công nghệ TP. HCM.

PGS. TS. Trần Thị Hồng đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tặng hoa cho Ban giám khảo của cuộc thi 

Với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở và chuyển đổi số” cuộc thi Sinh viên với Ý tưởng Khởi nghiệp Sáng tạo năm 2023 được phát động từ ngày 12/4/2023 và đã tiếp nhận hơn 100 bài thi đến từ hơn 30 trường đại học, cao đẳng trên cả nước với các dự án đa dạng, đa lĩnh vực như Công nghệ sinh học, Chăm sóc sức khỏe, Công nghệ thông tin, Công nghệ thực phẩm…

Phát biểu tại chương trình PGS. TS. Trần Thị Hồng cho biết: “Cuộc thi với mục tiêu xây dựng một sân chơi ý nghĩa, tạo điều kiện cho sinh viên học tập, rèn luyện, phát huy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, cơ hội gặp gỡ, kết nối cùng các doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm. Cuộc thi cũng là tiền đề cho các ý tưởng sáng tạo, khả thi được các Mentor từ các doanh nghiệp tư vấn hỗ trợ, được nhà trường ươm tạo và triển khai thành các Startup. Từ cuộc thi này, các năm qua NTTU đã ươm tạo nhiều dự án cơ hội trải nghiệm các cuộc thi cấp Bộ, Ngành và quốc tế”.

PGS. TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát biểu tại Vòng chung kết 

Tại Vòng sơ loại, Ban giám khảo đã chọn ra 60 đội thi bước tiếp vào vòng bán kết và có 27 đội thi xuất sắc bước vào Vòng Chung kết. Các dự án vào vòng chung kết tiếp tục được Ban Tổ chức tổ chức các buổi huấn luyện về kỹ năng hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh, tài chính khởi nghiệp, gọi vốn đầu tư và pitching, … để nâng cao chất lượng bài thi.

Tại vòng chung kết, 27 đội thi sẽ được chia thành 3 bảng thi với 2 vòng thi. Vòng 1: các đội thi đã trưng bày sản phẩm và standee tại bàn và Ban giám khảo sẽ chấm thi theo bảng, thí sinh có 05 phút thuyết trình về dự án của mình và có 07 phút để trả lời câu hỏi ban giám khảo. Sau đó, Ban giám khảo sẽ chọn ra TOP10 vào vòng 2. Ở vòng 2, TOP10 sẽ thuyết trình trên sân khấu, mỗi đội thi có 03 phút thuyết trình và có 03 phút để trả lời câu hỏi của Ban giám khảo.

Sau khi chấm điểm, đánh giá, xét chọn dựa trên các tiêu chí: ý tưởng đổi mới sáng tạo; tính khả thi và cạnh tranh của dự án; ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực, Ban giám khảo đã trao giải quán quân cho đội thi Aquabetle Plus – Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Ban tổ chức trao giải Nhất cho đội thi Aquabetle Plus – Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 

2 giải Nhì thuộc về Gen gội đầu và dưỡng tóc từ cây ngải xanh của Trường THPT Đức Trọng, Lâm Đồng và LOTUSLEEP – Phim ngậm hỗ trợ giấc ngủ tự nhiên từ tim sen và thảo mộc Việt Nam (Trường ĐH Công Thương TP. HCM).

ThS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Nhà văn hoá sinh viên TP. HCM và PGS. TS. Bạch Long Giang, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp NTTU trao giải nhì cho 2 đội thi 

2 giải Ba thuộc về CentiWork – nền tảng kết nối Freelancer Talents với Doanh nghiệp (Trường ĐH Kinh tế Luật, Trường ĐH Ngoại thương TP. HCM, Học viện Ngân hàng) và Chế phẩm thảo mộc trừ sâu từ dầu neem và hạt bình bát (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành).

TS. Ngô Đắc Thuần – Chủ tịch Hội đồng công ty cổ phần IP – GROUP và ThS. Huỳnh Hồng Mai, Phó Giám đốc Trung Giám đốc trung tâm Sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp NTTU trao giải 3 cho 2 đội thi 

4 giải khuyến khích gồm:
– Sản xuất nến thơm, sáp thơm từ dừa và bưởi non (Trường ĐH Công Thương TP. HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Công Nghệ TP. HCM)
– Sản phẩm SAKEFIT – Dòng bánh cookies giàu tinh bột kháng từ quả sake Việt Nam Trường ĐH Công Thương TP. HCM
– Michella – túi thời trang từ con men Scoby Trường ĐH Công Thương TP. HCM
– The POLAFOAM – Mỹ phẩm Thiên nhiên dầu dừa, ĐH Công thương TP. HCM

Trao giải khuyến khích cho 4 đội thi 

Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 4 giải tiềm năng cho các đội: GOVO – Nền tảng gọi vốn cộng đồng và đầu tư khởi nghiệp; Green World; Q HAIR – Bộ sản phẩm xanh chăm sóc tóc của bạn; Nước chấm, gia vị hảo hạng từ cây dược liệu quý của đồng bào dân tộc Miền Trung – Tây Nguyên. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng trao 14 đội giải phong trào.

Ban giám khảo trao giải tiềm năng và giải phong trào 

Với vai trò là Ban giám khảo của cuộc thi, TS. Ngô Đắc Thuần – Chủ tịch Hội đồng công ty cổ phần IP – GROUP đánh giá cao các dự án tại cuộc thi năm nay: “Các dự án ở vòng chung kết là những dự án rất thiết thực, giàu tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhiểu nhà đầu tư và có khả năng thị trường hoá sản phẩm. Ngoài ra, tôi đánh giá cao về công tác tổ chức cuộc thi của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, rất chuyên nghiệp ở tất cả các khâu”.

Sau hơn 4 tháng tổ chức, trải qua các vòng thi khắt khe, Ban tổ chức cuộc thi Sinh viên với Ý tưởng Khởi nghiệp Sáng tạo năm 2023 đã tìm được ngôi vị quán quân xuất sắc. Thông qua cuộc thi, đã khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo của sinh viên, kích thích việc tạo ra các ý tưởng và sản phẩm thiết thực phục vụ đời sống, xa hơn nữa là các dự án – ý tưởng nhận được sự tán thành từ các nhà tài trợ qua đó hiện thực hoá ý tưởng vào thực tiễn, phất cao tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên với sự đồng hành của nhà trường và các đơn vị doanh nghiệp, đồng thời lan toả tinh thần khởi nghiệp, văn hoá khởi nghiệp cho học sinh – sinh viên ở các trường học.

Thông tin về dự án đạt giải quán quân: Aquabetle Plus – Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng

Thành viên Team Medilea hiện tại:

  • Chủ nhiệm chính: SV Đoàn Thị Thu Hằng (ĐH NTT)
  • Thành viên chính: SV Nguyễn Bảo Danh (ĐH Nông Lâm).
  • Quản lý dự án chính (Founder và mentor): NCS. ThS. Trần Thành (Viện ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững – ĐH Nguyễn Tất Thành..
  • Mentor: ThS. Trương Thị Cẩm Len – Khoa Quản trị kinh doanh – ĐH Nguyễn Tất Thành

Dự án Aquabetle Plus – Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng

Aquabetle Plus – Sản phẩm gia tăng hiệu quả từ dịch chiết lá bàng là dự án do Nguyễn Hữu Tiến, Đoàn Thị Thu Hằng (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) nghiên cứu từ 2 năm qua. Chế phẩm lá bàng mang ý nghĩa là hạn chế kháng sinh, giúp nâng cao chất lượng thủy hải sản cho Việt Nam. Sản phẩm là một ứng dụng để giải quyết vấn đề thực tế, xuất phát từ hiện trạng của nhóm nghiên cứu môi trường sau quá trình đi thực tế.

Sản phẩm dịch chiết lá bàng khác biệt với các sản phẩm trên thị trường. Hiện có 2 dòng sản phẩm là Medilea dành cho nuôi trồng thủy hải sản và Medilea Pro dành cho cá cảnh. Một số điểm khác biệt chính đó là quy trình sản xuất và công nghệ giữ cho hàm lượng dược tính của lá bàng hạn chế mất đi trong quá trình làm ra sản phẩm. Sản phẩm đã có đánh giá hàm lượng dược chất như Saponin và Polysaccharides cho thấy nồng độ rất tốt để ứng dụng cho các chức năng. Mức độ cô đặc bằng công nghệ giúp cho lượng sử dụng ít hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, hạn chế làm cho ứng dụng trên cá cảnh sẽ ít bị gây màu nước hồ làm mất mỹ quan. Ngoài ra, dịch chiết lá bàng còn bổ sung thêm một số vi sinh có lợi trong sản phẩm sử dụng cho cá nuôi cho thị trường nuôi trồng thủy hải sản, như một số vi sinh giúp hệ tiêu hóa các thủy sản tốt hơn, hiệu quả hơn trong chuyển hóa thức ăn.

Chia sẻ về kế hoạch sau khi giành giải Nhất của cuộc thi Sinh viên với Ý tưởng Khởi nghiệp Sáng tạo năm 2023, NCS. ThS. Trần Thành, Viện nghiên cứu và phát triển bền vững – Founder, Giảng viên hướng dẫn dự án, cho biết: “Định hướng kế tiếp của nhóm là không ngừng hoàn thiện sản phẩm. Kim chỉ nam nhóm luôn là “Chất lượng đem lại giá trị thương hiệu”, do đó, các nghiên cứu nâng cao hiệu quả luôn được tiếp tục phát triển. Ngoài ra, nhóm đang hoàn thiện quy trình sản xuất để làm hồ sơ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Việc này giúp các ý tưởng của nhóm được bảo hiểm và cũng là tiền đề để mạnh dạn mở rộng thương mại hóa”.

Cơ cấu giải thưởng gồm:– 01 Giải Nhất: Cúp vàng; 20.000.000 đồng và gói ươm tạo 1 năm tại NIIC trị giá 120.000.000 đồng;
– 02 Giải Nhì: mỗi giải 10.000.000 đồng và gói ươm tạo 6 tháng tại NIIC trị giá 60.000.000 đồng;
– 02 Giải Ba: mỗi giải 5.000.000 đồng và gói ươm tạo 3 tháng tại NIIC trị giá 30.000.000 đồng;
– 04 Giải Khuyến Khích: mỗi giải 2.000.000 đồng và gói ươm tạo 3 tháng tại NIIC trị giá 30.000.000 đồng
– 04 Giải Tiềm năng: mỗi giải 2.000.000 đồng và gói ươm tạo 3 tháng tại NIIC trị giá 30.000.000 đồng
– 14 Giải Phong trào: mỗi giải 1.000.000 đồng và gói ươm tạo 3 tháng tại NIIC trị giá 30.000.000 đồng
– Các giải phụ:  01 Giải bình chọn đúng Quán quân: 2.000.000 đồng;  01 Giải dự án được yêu thích nhất: 2.000.000 đồng

Call Now