Chất lượng sinh viên thời đại 4.0 được đánh giá không chỉ ở kiến thức, kỹ năng, thái độ mà còn là kinh nghiệm thực tế thông qua kết quả nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn. Trường đại học Nguyễn Tất Thành trong nhiều năm qua đã đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng những nhân tài về khoa học, công nghệ.
![]() |
Sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học. |
Phát triển du lịch mạo hiểm tại hố sụt Kong, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình: Hướng tới bền vững và an toàn” là đề tài nghiên cứu khoa học của Võ Hoàng Phi, sinh viên năm cuối Khoa Du lịch, Trường đại học Nguyễn Tất Thành.
Ðề tài này được giải nhì cuộc thi Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka năm 2024, giải thưởng dành cho những công trình nghiên cứu khoa học, sáng tạo của sinh viên trên toàn quốc.
Theo Võ Hoàng Phi, hố sụt Kong, một trong những hố sụt sâu nhất thế giới là điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích phiêu lưu với các hoạt động như khám phá hang động, leo núi và vượt thác.
Tuy nhiên, “các hoạt động du lịch tại đây đang đối mặt với nhiều thách thức về tính bền vững và an toàn, bao gồm tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và rủi ro chưa được quản lý hiệu quả”, sinh viên Võ Hoàng Phi cho biết.
Kết quả khảo sát du khách của Võ Hoàng Phi cho thấy, đối với mối lo ngại của du khách khi lựa chọn du lịch mạo hiểm tại hố sụt Kong: có đến 92% số du khách lo ngại về mức độ an toàn chung, 88% quan tâm đến các phương án cứu hộ, 76% chú ý đến chất lượng thiết bị an toàn và 68% lo lắng về khả năng tiếp cận dịch vụ y tế.
Về tác động của hoạt động leo trèo và va chạm lên các thực thể thạch nhũ, măng đá và ngọc động trong các hang động, có 56% số du khách cho rằng tác động từ khá đến rất cao, phản ánh mối quan ngại về việc bảo tồn các cấu trúc đá tự nhiên.
Ngược lại, có 32% số du khách đánh giá tác động là không đáng kể, 68% số du khách cho rằng việc leo trèo và chạm vào các thực thể tự nhiên gây tác động từ mức trung bình đến cao.
Từ đó, đề tài nghiên cứu khoa học của Hoàng Phi đưa ra khuyến nghị, để bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động đến các hệ sinh thái nhạy cảm trong các khu vực hang động, các cơ quan quản lý cần xây dựng một hệ thống quy định môi trường đồng bộ, rõ ràng cho các đơn vị khai thác du lịch. Ðiều này sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ hệ sinh thái địa phương, bảo đảm an toàn cho du khách, cũng như bảo vệ môi trường tại hố sụt Kong.
Ngoài đề tài của Võ Hoàng Phi thuộc lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật đạt giải nhì, Trường đại học Nguyễn Tất Thành còn có đề tài “Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo-một số gợi mở cho Việt Nam từ kinh nghiệm của các quốc gia” của Nguyễn Lê Anh Thư đạt giải ba; hai giải khuyến khích thuộc về đề tài “Xây dựng mô hình docking phân tử trên các đích tác động liên quan đến viêm”, và đề tài “Xử lý Methyl đỏ trong dung dịch nước bằng phương pháp phân hủy quang xúc tác dùng nano bạc được tổng hợp từ dịch chiết lá ổi”. Ngoài ra, sinh viên của nhà trường cũng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học.
Chỉ trong năm 2024, Trường đại học Nguyễn Tất Thành có 394 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học của sinh viên nhà trường không chỉ tăng về lượng mà chất lượng cũng được tăng lên. Trong số này, có một số nghiên cứu khoa học của sinh viên được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc hệ thống ISI/SCOPUS.
Tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nghiên cứu khoa học trong trường học không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy và học mà còn là cơ sở để phát hiện, đào tạo người học thành những nhân tài khoa học, công nghệ trong tương lai. Trường đại học Nguyễn Tất Thành mong muốn thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên có thể tự tìm ra phương pháp tự học, tự lập và tự vượt qua khó khăn để thành công. Có như vậy sinh viên mới tự trang bị thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức thực tế, ra trường tìm việc sẽ thuận lợi, xa hơn là sinh viên có thể tự khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ thêm: Ðể tiếp tục thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên, định kỳ vào mỗi năm học, nhà trường lên kế hoạch, công bố chính sách hỗ trợ phát triển các dự án nghiên cứu trong toàn trường, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tổ chức các hoạt động, các cuộc thi về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp để trang bị, bồi dưỡng năng lực, phương pháp nghiên cứu… cho sinh viên toàn trường.