NTTU – Trường đại học đóng vai trò là trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia, là nơi cung cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo ra tri thức khoa học – kỹ thuật và công nghệ mới thông qua nghiên cứu khoa học. Chiều ngày 02/3/2023, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ – Đại học Quốc Gia, TP. Hồ Chí Minh (IPTC) tổ chức “Tập huấn tổng quan tài sản trí tuệ năm 2023” cho đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên của Nhà trường
Việc khai thác các sáng chế, tài sản trí tuệ trong trường đại học với mục tiêu thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để hình thành các doanh nghiệp tiến tới thương mại hóa các kết quả nghiên cứu góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước.
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam
Tham dự chương trình, về phía đại biểu khách mời có ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ; bà Nguyễn Minh Huyền Trang – Giám đốc Trung tâm Sở hữu Trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ – Đại học Quốc Gia, TP. Hồ Chí Minh. Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, có sự tham dự và chủ trì của PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và đặc biệt là sự có mặt của hơn 80 thầy cô lãnh đạo các Khoa, Viện, phòng ban, giảng viên, nhà nghiên cứu quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.
PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng
Phát biểu tại lễ khai mạc, PGS. TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng đã chia sẻ: “Trường ĐH Nguyễn Tất Thành luôn coi hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo là một trong các nhiệm vụ mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của Trường. Việc triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ được thực hiện một cách bài bản nhằm hỗ trợ hiệu quả cho công tác nghiên cứu và giảng dạy. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức các lớp tập huấn và mời chuyên gia về phổ biến, trao đổi, hướng dẫn cho đội ngũ nhà trường về công tác sở hữu trí tuệ. Thông qua buổi tập huấn hôm nay, lãnh đạo Nhà trường mong rằng các giảng viên, cán bộ nghiên cứu viên của Trường nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, tạo tiền đề vững chắc cho các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; để trong thời gian tới, Trường sẽ có thêm nhiều đơn đăng ký sáng chế độc quyền, giải pháp hữu ích, quyền tác giả…”.
Ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu và trao đổi với giảng viên-cán bộ nghiên cứu tham dự tập huấn các nội dung cụ thể: Tổng quan về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và một số vấn đề chung về sở hữu công nghiệp; những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; về khiếu nại, giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp; về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Thông qua các thông tin được truyền tải theo từng nội dung chuyên đề, giảng viên-cán bộ nghiên cứu tham dự cũng đã trao đổi xoay quanh các vấn đề liên quan đến các điểm mới về cách thức khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại, quá trình xử lý, thẩm định các đơn khiếu nại; hiệu lực thi hành, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh; cách xác định tính mới, thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế; quy định về bảo hộ tài sản trí tuệ là kết quả các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, giám định sở hữu công nghiệp;…, chứng tỏ mức độ quan tâm và nhu cầu tìm hiểu về các vấn đề liên quan trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của giảng viên, cán bộ nghiên cứu Nhà trường rất lớn. Thông qua các phiếu khảo sát người tham gia sau mỗi chuyên đề, có nhiều ý kiến đóng góp dành cho Ban tổ chức cho các chương trình tiếp theo.
Trải qua hơn 24 năm xây dựng và phát triển, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ đã và đang nhà trường luôn chú trọng và quan tâm làm bước đệm để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đất nước. Ngay từ lúc thành lập lãnh đạo Nhà trường xác định sứ mệnh đào tạo ra những con người có kiến thức vững chắc, có kỹ năng thuần phục, có khát vọng đổi mới tư duy và năng lực sáng tạo để tham gia tích cực vào tiến trình đổi mới sáng tạo trong xã hội.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trường đã có 01 bằng giải pháp hữu ích, 15 đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định chấp nhận đơn, 01 quyền tác giả và nhiều kết quả nghiên cứu khác đang hoàn thiện để chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ. Hoạt động sở hữu trí tuệ trong Nhà trường ngày càng nhận được sự quan tâm của đông đảo giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên toàn Trường. Hằng năm, Nhà trường sẽ triển khai công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm bảo đảm lợi ích của đội ngũ cán bộ, giảng viên khi chuyển giao đề tài khoa học và công nghệ, sáng chế và khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên gia tăng sự cống hiến, đóng góp cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, có thêm nhiều sáng chế được công nhận và phát triển tiếp bước thương mại hóa.
Ngọc Giàu – Đình Hiếu