Block "block-breadcrumbs" not found

Những tổ chức nào của Việt Nam có lượng công bố quốc tế tốt nhất?

Qua thống kê, phân tích và tổng hợp bằng nhiều thao tác khác nhau, nghiên cứu sinh Huỳnh Hữu Hiền nhận thấy danh sách xếp hạng 20 tổ chức của Bộ Khoa học – Công nghệ có những điểm chưa thuyết phục. Dưới đây là nội dung bài viết mà anh Hiền gửi tới VietNamNet.

Danh sách của Bộ Khoa học và Công nghệ

Truyền thông trong nước vừa mới đưa tin về số liệu công bố quốc tế (CBQT) của Việt Nam và danh sách 20 tổ chức có số lượng CBQT hàng đầu của Việt Nam trong giai đoạn 2010-2014 dựa trên cơ sở thông tin từ Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Đây là một việc làm cần thiết để giúp các tổ chức có nghiên cứu khoa học (NCKH) và các trường ĐH nắm bắt được thực trạng NCKH của đơn vị mình để từ đó có thể xây dựng hoặc điều chính chiến lược phát triển.

Hơn nữa, thông tin này có thể giúp Nhà nước đánh giá được hiệu quả đầu tư vào NCKH ở các cơ sở có sứ mệnh này và xác định những ưu tiên trong đầu tư vào nghiên cứu và phát triển trong những năm đến. Và người học (đặc biệt ở cấp độ sau đại học) sẽ có thêm thông tin tham khảo hữu ích trong quyết định chọn lựa nhà trường để học tập.

Mặc dù rất khó có thể thống kê chính xác con số CBQT của từng tổ chức ở Việt Nam, nhưng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia đã nỗ lực để cung cấp một danh sách 20 tổ chức có số lượng CBQT nhiều nhất Việt Nam.

Danh sách này gồm 1 viện hàn lâm khoa học, 16 cơ sở giáo dục đại học và 3 bệnh viện như sau:

STT Tên tổ chức/ trường STT Tên tổ chức/ trường
1 Viện KH&CN Việt Nam 11 ĐH Y Dược TP.HCM
2 ĐH Quốc gia Hà Nội 12 Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW
3 ĐH Quốc gia TP.HCM 13 Học viện Nông nghiệp Việt Nam
4 ĐH Bách khoa Hà Nội 14 ĐH Y tế Công cộng
5 ĐH Sư phạm Hà Nội 15 ĐH Nông Lâm TP.HCM
6 ĐH Y Hà Nội 16 ĐH Tôn Đức Thắng
7 ĐH Cần Thơ 17 Bệnh viện Bạch Mai
8 Viện Vệ sinh Dịch Tễ TW 18 ĐH Nha Trang
9 ĐH Huế 19 ĐH Mỏ Địa chất
10 ĐH Vinh 20 ĐH Duy Tân

Bảng 1: 20 tổ chức có số lượng CBQT nhiều nhất Việt Nam, giai đoạn 2010-2014 (theo số liệu của Cục Thống kê KH&CN quốc gia, Bộ KH&CN)

Top 20 có thay đổi

Tuy nhiên, qua thống kê, phân tích và tổng hợp bằng nhiều thao tác khác nhau, chúng tôi nhận thấy danh sách xếp hạng 20 tổ chức này còn có những điểm chưa thuyết phục.

Trong danh sách chúng tôi tổng hợp, có bổ sung 4 tổ chức có đủ số lượng CBQT để có mặt trong danh sách 20 tổ chức có số lượng CBQT hàng đầu Việt Nam.

Các đơn vị được bổ sung bao gồm 2 đại học vùng (ĐH Thái Nguyên và ĐH Đà Nẵng), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi trung ương. Điều đó có nghĩa là các đơn vị sau không có tên trong danh sách 20 tổ chức có CBQT hàng đầu: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW (vị trí 12), ĐH Nha Trang (18), ĐH Mỏ Địa chất (19) và ĐH Duy Tân (20). Số lượng CBQT của 4 đơn vị này như sau:

STT

Tên tổ chức/trường

Số lượng CBQT*

1

ĐH Nha Trang

86

2

ĐH Mỏ Địa chất

77

3

ĐH Duy Tân

64

4

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW

61

Bảng 2: Số lượng CBQT của 4 tổ chức: ĐH Nha Trang, ĐH Mỏ Địa chất, ĐH Duy Tân, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW giai đoạn 2010-2014 (dựa trên thông tin truy cập từ web của Science)

* Toàn bộ CBQT trên hệ thống ISI không phân biệt bài báo, bài viết kỷ yếu hội thảo,

Danh sách 20 tổ chức có số lượng CBQT hàng đầu Việt Nam kèm theo con số CBQT (trên cơ sở dữ liệu ISI) được chúng tôi tổng hợp bao gồm 1 viện hàn lâm khoa học, 15 cơ sở giáo dục đại học và 4 bệnh viện/viện (y tế):

STT Tên tổ chức/ trường Số lượng CBQT*
1 Viện KH&CN Việt Nam 1545
2 ĐH Quốc gia Hà Nội 861**
3 ĐH Quốc gia TP.HCM 654**
4 ĐH Bách khoa Hà Nội 598
5 ĐH Sư phạm Hà Nội 359
6 ĐH Y Hà Nội 313
7 ĐH Cần Thơ 304
8 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM 299
9 Viện Vệ sinh Dịch tễ TW 213
10 ĐH Huế 213
11 ĐH Vinh 177
12 ĐH Y Dược TP.HCM 155
13 Học viện Nông nghiệp Việt Nam 127
14 ĐH Thái Nguyên 119
15 ĐH Y tế Công cộng 114
16 ĐH Tôn Đức Thắng 100
17 ĐH Nông Lâm TP.HCM 99
18 Bệnh viện Bạch Mai 97
19 ĐH Đà Nẵng 95
20 Bệnh viện Nhi TW 93

Bảng 3: Xếp hạng 20 tổ chức có công bố quốc tế tốt nhất VN (giai đoạn 2010-2014) theo kết quả tổng hợp của tác giả, dựa trên thông tin truy cập từ Web of Science

* Toàn bộ CBQT trên hệ thống ISI không phân biệt bài báo, bài viết kỷ yếu hội thảo, …

** Số liệu của 2 ĐH Quốc gia có độ tin cậy tương đối

Vì sao khó có thể đưa ra con số thống kê chính xác về CBQT của từng tổ chức ở Việt Nam?

Một lí do quan trọngcho việc khó lấy được số liệu chính xác về CBQT của các tổchức ở Việt Nam là vì các cán bộ nghiên cứu của các đơn vị này không nhất quán trong cách ghi tên tiếng Anh của đơn vị mình trong CBQT của họ.

Chẳng hạn như đối với các ĐH quốc gia hoặc ĐH vùng, một số tác giả không ghi tên (tiếng Anh) của ĐHQG hoặc ĐH vùng mà chỉ ghi tên (tiếng Anh) của trường thành viên. Hơn nữa, cách dịch tên trường thành viên của họ cũng không thống nhất.

Thống kê của chúng tôi cho thấy có đến 64% số nhà nghiên cứu của ĐH Thái Nguyên chỉ ghi tên trường thành viên mà không ghi tên ĐH vùng trong kết quả CBQT của mình và con số tương ứng cho ĐH Đà Nẵng là 59% và ĐH Huế là 38%. Có lẽ đây là lí do vì sao chúng ta không thấy có tên của ĐH Thái Nguyên và ĐH Đà Nẵng trong danh sách 20 tổ chức có CBQT nhiều nhất do Cục Thông tin KH&CN quốc gia ban hành.

Một số nhà nghiên cứu của Đại học Thái Nguyên không ghi tên ĐH vùng và chỉ ghi tên tiếng Anh của các trường thành viên như sau: “Thai Nguyen College of Science” (trường ĐH Khoa học), “Thai Nguyen College of Agriculture and Forestry” (trường ĐH Nông Lâm), “Thai Nguyen College of Education” (“trường ĐH Sư phạm” nhưng có thể hiểu là “Trường Cao đẳng sư phạm Thái Nguyên” và chỉ có thể phân biệt bằng cách tra tìm thêm thông tin về tác giả), “Thai Nguyen College of Information & Communication Technology” (Trường ĐH CNTN&TT).

Một ví dụ khác là trường hợp của Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh có tên tiếng Anh được ghi theo rất nhiều cách khác nhau (và được thể hiện trên hệ thống ISI thành “univ med & pharm ….. Ho Chi Minh City”, “univ med & pharm Ho Chi Minh City”, “univ med & pharm HCMC”, “univ med & pharm Thanh pho Ho Chi Minh”, Hochiminh univ med & pharm”, “Ho Chi Minh Cityuniv med & pharm”, “Ho Chi Minh univ med & pharm”).

Do đó, người làm công việc thống kê khi tra tìm số lượng CBQT của các tổ chức và các trường đại học rất khó có thể đưa ra một con số thống kê chính xác.

Trước đây, vào tháng 1 năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng có công văn yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan địa phương, đề xuất tên gọi bằng tiếng nước ngoài đối với các trường đại học trong nước sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế sử dụng tên tiếng Anh hiện nay trên các CBQT như đã nêu cho thấy dường như chúng ta con thiếu những quy định chặt chẽ hơn nữa về việc sử dụng tên tiếng Anh sao cho thống nhất trong từng đơn vị, trong toàn hệ thống và tuân theo chuẩn chung quốc tế như Phó Thủ tướng đã yêu cầu. Các tên gọi tiếng Anh cần có mức độ phân biệt nhất định để khi tra tìm trên các hệ thống cơ sở dữ liệu không cho ra những kết quả chồng lấn nhau.

Tình trạng các cán bộ nghiên cứu ghi tên tiếng Anh của đơn vị mình một cách “tự phát” cũng là một vấn đề đặt ra đối với bản thân các tổ chức có NCKH và các trường ĐH.

Một điều quan trọng nữa là ý thức của các tác giả trong việc ghi tên tiếng Anh của cơ quan, đơn vị mình trong CBQT. Việc ghi đúng tên tiếng Anh của tổ chức/nhà trường cũng là một chuẩn tắc khoa học góp phần vào uy tín học thuật và lợi ích của bản thân nhà nghiên cứu và đơn vị của họ.

Và khi đó, công việc thống kê số liệu về CBQT của các tổ chức ở Việt Nam trong tương lai sẽ không còn “gian nan” như hiện nay.

Huỳnh Hữu Hiền

Nguồn Vietnamnet.vn, link

Call Now