NTTU – Vừa qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phối hợp với Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh tổ chức hội thảo với chủ đề “Đánh giá hiệu quả mô hình xử lý kết hợp lúa lộn (lúa hai tầng) và rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh trên địa bàn huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh”
Chương trình diễn ra tại UBND xã Tân An với sự góp mặt của đại diện Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA), Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC), lãnh đạo UBND huyện Càng Long, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Càng Long, lãnh đạo các xã trên địa bàn, cùng đại diện của các hộ nông dân đã và đang áp dụng mô hình xử lý kết hợp lúa lộn (lúa 2 tầng) và rơm rạ sau thu hoạch tại địa phương.
Hội thảo “Đánh giá hiệu quả mô hình xử lý kết hợp lúa lộn (lúa hai tầng) và rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh trên địa bàn huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh”
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo UBND huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh và bà con nông dân đã hỗ trợ và phối hợp với các bộ nghiên cứu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong việc ứng dụng triển khai mô hình nghiên cứu tại địa phương. Kết quả là sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với thực tiễn xã hội và phục vục cộng đồng, hướng đến 17 mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc nói chung và của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói riêng. PGS.TS. Trần Thị Hồng cũng gửi lời cảm ơn đến Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA), Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) đã hỗ trợ nhà trường trong việc thực hiện dự án này.
Cũng tại hội thảo, PGS.TS. Đinh Văn Phúc – Phó viện trưởng thường trực Viện Khoa học Xã hội liên ngành, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đã giới thiệu tổng quan về dự án “Mô hình xử lý kết hợp lúa lộn (lúa hai tầng) và rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh” do các nhà khoa học của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nghiên cứu và phát triển, đồng thời nhấn mạnh các tác động tích cực mà dự án mang lại cho huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
PGS.TS. Đinh Văn Phúc giới thiệu tổng quan và trình bày kết quả “Mô hình xử lý kết hợp lúa lộn (lúa hai tầng) và rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh trên địa bàn huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh”
Đại diện lãnh đạo huyện Càng Long, ông Huỳnh Công Tín – Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh đã chia sẻ những lợi ích về môi trường, sức khỏe và kinh tế mà bà con nông dân đã nhận được từ dự án, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Vương quốc Anh (DEFRA), Liên minh Toàn cầu về Sức khỏe và Ô nhiễm (GAHP), Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã triển khai áp dụng tại địa phương.
Ông Huỳnh Công Tín – Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh
Ông Nguyễn Văn Á – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cũng có vài phát biểu về mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch, một giải pháp sáng tạo, tối ưu mang lại lợi nhiều lợi ích cho địa phương nhằm tối ưu hóa chất lượng đất canh tác và giảm thiểu khí thải độc hại do hoạt động đốt trực tiếp rơm rạ tại đồng ruộng. Đây còn là bước tiến tích cực cho tương lai phát triển bền vững của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, góp phần xây dựng 1 triệu hecta lúa hữu cơ cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Ông Nguyễn Văn Á – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Càng Long, tỉnh Trà vinh
Trong khuôn khổ chương trinh, các đại diện của DEFRA, GAHP và VACNE đã chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình xử lý rơm rạ đã được áp dụng thành công, đồng thời phân tích các kết quả thực tế tại Trà Vinh. Chuyên gia những đơn vị này cũng trực tiếp trao đổi cùng các hộ nông dân tiên phong tại địa phương về cách họ đã thay thế phương pháp đốt rơm rạ truyền thống, giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện năng suất cây trồng.
Các chuyên gia của DEFRA và GAHP trao đổi tại hội thảo
Theo ông Đoàn Phước Sung, (ấp 8A xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh), đây là vụ đầu tiên chú sử dụng và tham gia mô hình xử lý rơm rạ sau khi thu hoạch do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cung cấp. Kết quả đạt được sau khi áp dụng mô hình: thứ nhất, giảm được lúa ma, lúa lộn, lượng phân bón hóa học cũng giảm đáng kể và sâu bệnh ít hơn so với mấy năm vừa qua. Thứ hai, về nhân công làm so với mấy vụ mà chưa áp dụng mô hình này thì đỡ được nhân công dặm lúa và công làm cỏ trên đồng. Ông sẽ tiếp tục áp dụng mô hình này cho những vụ sau, nhằm tăng năng suất lúa và giảm ô nhiễm môi trường do hoạt động đốt trực tiếp rơm rạ gây ra.
Ông Đoàn Phước Sung chia sẻ hiệu quả đạt được sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh
Ông Đoàn Chí Hải (ấp 8A, xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cũng cho biết rất hài lòng sau vụ mùa vừa áp dụng mô hình xử lí rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm vi sinh. Năng suất tăng hơn so với vụ trước khi áp dụng mô hình. Chi phí nhân công giảm khoảng 300.000 – 400.000 đồng. Về phân bón, giảm khoảng 10 đến 15 kg/1.000m2. Vì khi rơm rạ phân hủy thì tạo nguồn phân bón hữu cơ cung cấp cho đất, giúp đất màu mỡ, lúa lên đều, khỏe và đẻ nhánh nhiều. Áp dụng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học vụ lúa vừa rồi 1.000m² có thể là tăng thêm được 10–15% năng suất lúa.
Ông Đoàn Chí Hải chia sẻ hiệu quả đạt được sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh
Bên cạnh đó, ông Tô Văn Vũ (ngụ ấp 8A, xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) sau một vụ mùa tham gia mô hình thử nghiệm xử lí rơm rạ sau thu hoạch tại đồng ruộng cho thấy mô hình này rất khả quan, bổ sung vi sinh vào đát giúp phân hủy nhanh lượng rơm rạ tại đồng ruộng, hạn chế gây ngộ độc hữu cơ, giúp lúa phát triển tốt, năng suất tăng. Sau khi sử dụng chế phẩm do vi sinh đã phân huỷ rơm rạ thành một nguồn phân bón hữu cơ cung cấp cho lúa nhờ vật mà chú giảm rất nhiều chi phí về phân bón hóa học cho vụ vừa rồi. Theo ông Vũ, chế phẩm vi sinh rất hữu ít nó giúp cho lúa khỏe, phát triển nhanh, đẻ nhánh nhiều, năng suất lúa tăng cao và giảm rất nhiều công lao động trong canh tác.
Ông Tô Văn Vũ chia sẻ về mô hình xử lí rơm rạ sau thu hoạch tại đồng ruộng
Hội thảo còn nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng từ việc đốt rơm rạ lộ thiên – một phương pháp xử lý truyền thống gây hại lớn cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đốt rơm rạ ngoài trời không chỉ làm ô nhiễm không khí, thải ra một lượng lớn khí CO2 và các hạt bụi mịn (PM2.5, PM10) gây hại cho đường hô hấp, mà còn góp phần làm suy thoái đất. Theo các chuyên gia, đất sau khi đốt rơm rạ thường bị mất độ phì nhiêu, giảm khả năng giữ ẩm, dẫn đến suy giảm năng suất canh tác lâu dài. Kết quả của mô hình đã ứng dụng cho thấy sản lượng thu hoạch tăng cao hơn so với vụ mùa trước đây là tăng từ (10–15%) sản lượng (theo đánh giá kết quả ghi nhận lại), giảm thiểu được tình trạng lúa ma, lúa cỏ giúp cho năng suất cây trồng tăng lên. Kèm theo đó là lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho đồng ruộng cũng giảm đi 15–20% so với những vụ mùa trước, dẫn đến công lao động của người nông dân giảm xuống, giúp cho lợi ích kinh tế tăng từ 4-6 triệu/ha.
Một điểm đặc biệt trong chương trình là chuyến tham quan thực tế mô hình xử lý rơm rạ của hộ nông dân tại xã Tân An. Tại đây, các đại biểu và bà con nông dân được trực tiếp nhìn thấy hiệu quả của mô hình trên diện tích 1 hecta, từ đó nhận thức rõ ràng hơn về lợi ích môi trường và kinh tế của việc giảm đốt rơm rạ ngoài trời.
Lãnh đạo đơn vị Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Hiệp hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, các tổ chức quốc tế DEFRA, GAHP và nông dân tham quan mô hình thử nghiệm chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ của ông Nguyễn Thành Điện tại xã Tân An, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh
Thêm một số hình ảnh xoay quanh hội thảo:
Viện Khoa học Xã hội liên ngành