NTTU – Sáng ngày 9/7, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện sáng kiến Việt Nam và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, tổ chức “Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024” (Diễn đàn PBCF). Đây là lần đầu tiên diễn đàn được tổ chức tại TP. HCM
Diễn đàn PBCF có sự góp mặt của hơn 300 đại biểu khách mời là đại diện lãnh đạo các bộ ngành liên quan; Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đại diện lãnh đạo TP. HCM và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đại diện các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp; Đại diện các trường đại học, viện đào tạo trên địa bàn TP.HCM…
Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự tham gia của TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS. TS. Trần Thị Hồng, Phó hiêu trưởng, PGS.TS Nguyễn Xuân Nhĩ – Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh; TS. Thái Hồng Thụy Khánh – Trưởng khoa Tài chính – Kế toán, PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ.
Toàn cảnh diễn đàn
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế mới
Doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất tạo ra của cải cho toàn xã hội. Các doanh nghiệp đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), tạo việc làm cho người dân và nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Trong những năm qua, cùng với Trung ương, các địa phương đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, hỗ trợ phát huy vai trò của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.
Tuy nhiên nhận thấy năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dựa vào năng lực điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố (PCI) mà còn dựa vào năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp, bao gồm: Chiến lược, tầm nhìn và quản trị của doanh nghiệp; Hợp tác và trình độ phát triển của cụm ngành; Khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh; Khai thác các yếu tố hay tài nguyên sẵn có của từng địa phương… Trong đó, sự đồng bộ giữa năng lực quản trị nội tại của các doanh nghiệp và năng lực quản trị của chính quyền là yếu tố quan trọng, không thể tách rời.
Ông Trần Hoàng – Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn- Trưởng ban tổ chức Diễn đàn phát biểu tại Diễn đàn
Ông Trần Hoàng – Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn cho biết, Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh do đơn vị này chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ được tổ chức thường niên, nhằm có góc nhìn đa chiều về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cấp tỉnh trong tổng thể nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững từng địa phương.
Cũng theo ông Trần Hoàng, Diễn đàn PBCF không chỉ là một hoạt động khoa học, truyền thông đơn thuần để so sánh năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp các tỉnh – thành với nhau, mà quan trọng nhất là thông qua đây, các nhà quản lý, doanh nhân, chuyên gia, các hội doanh nghiệp và cơ quan truyền thông sẽ có thêm thông tin cùng nghiên cứu và tìm ra giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính lực lượng doanh nghiệp và nền kinh tế của địa phương mình.
Cách tiếp cận của báo cáo Diễn đàn PBCF là liên ngành, liên thời gian và dựa vào dữ liệu và thông tin thu thập được từ những nguồn đáng tin cậy. Ngoài dữ liệu thứ cấp, Ban tổ chức khảo sát số liệu các doanh nghiệp, thu thập thông tin từ các cơ quan quản lý và những nhà phân tích. Kết quả khảo sát được sử dụng để minh họa hoặc đối chiếu với các thông tin, dữ liệu thứ cấp để phân tích, đánh giá năng lực cạnh tranh.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ông Nguyễn Văn Dũng phát biểu tại Diễn đàn
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Trong những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng với Trung ương, TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, hỗ trợ và phát huy vai trò của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.
Bên cạnh đó, lực lượng doanh nghiệp thành phố cũng đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở các địa phương, phát triển nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Ông Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận, doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất tạo ra của cải cho toàn xã hội. Các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP), việc làm cho người dân và nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Do đó, sự phát triển bền vững của TP. Hồ Chí Minh phụ thuộc vào năng lực tạo ra giá trị gia tăng cũng như năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp.
Mặt khác, năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dựa vào năng lực điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố (PCI) mà còn dựa vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương. Do vậy, việc tổ chức diễn đàn và báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp các địa phương là hết sức quan trọng. Không những để có một bức tranh tổng thể về sự phát triển trong dài hạn và vị trí hiện tại của lực lượng doanh nghiệp, mà còn là một bức tranh tổng thể về năng lực cạnh tranh kinh tế của một địa phương.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, từ báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh doanh nghiệp của thành phố năm 2023 và kết quả nghiên cứu, mặc dù thành phố vẫn dẫn đầu cả nước về giá trị tuyệt đối ở nhiều chỉ tiêu, nhưng quy mô và kết quả hoạt động của lực lượng doanh nghiệp nói riêng, các kết quả kinh tế nói chung đang đi xuống một cách tương đối so với bình quân chung của cả nước. Trong khi một số địa phương khác có sự bứt tốc xét về tổng thể, thậm chí đã có những địa phương mặt vượt qua TP. Hồ Chí Minh. Thêm vào đó, so với các đô thị trung tâm trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, khả năng cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp thành phố, nhất là các doanh nghiệp dẫn đầu là khá khiêm tốn. Các doanh nghiệp nói riêng, kinh tế nói chung của TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách với các đô thị đi trước trong khu vực.
Tại diễn đàn này các diễn giả, chuyên gia kinh tế hàng đầu đã thảo luận, đưa ra những góc nhìn toàn diện cùng những giải pháp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội cho thành phố và cả nước.
TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trình bày tham luận tại diễn đàn
Trong bài tham luận của mình, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã chia sẻ những nội dung thảo luận xoay quanh khái niệm cạnh tranh trong môi trường kinh tế thị trường và vai trò của năng lực cạnh tranh theo quan điểm của Michael Porter. Các nội dung chính bao gồm: Khái niệm và bối cảnh cạnh tranh; Năng lực cạnh tranh theo Michael Porter; Khung phân tích năng lực cạnh tranh (Bao gồm các nhóm yếu tố ảnh hưởng gồm: (1) nội tại của doanh nghiệp, (2) liên kết với ngành và cụm ngành, (3) môi trường kinh doanh, (4) điều kiện địa lý và tài nguyên); Áp dụng mô hình 05 áp lực cạnh tranh của Porter và Ứng dụng trong thực tiễn. Bên cạnh đó, TS. Cầm cũng chia sẻ doanh nghiệp sẽ có khả năng cạnh tranh cao nếu có năng lực và sự nhạy bén, kịp thời và ngược lại. Doanh nghiệp quan tâm nguồn lực con người, về tài chính, khoa học công nghệ, đặc biệt có mô hình quản trị định hướng sáng tạo phù hợp, sẽ có được lợi thế rất lớn cả trong môi trường kinh doanh trong nước và nước ngoài.
TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường nhận hoa từ BTC chương trình
Với sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp làm cho hoạt động kinh doanh biến động theo các bối cảnh khác nhau và ngày càng bất định. Doanh nghiệp cần chủ động hình thành các năng lực và tận dụng lợi thế của môi trường kinh doanh để phát huy các mô hình quản lý, kết nối với khách hàng, nhà cung ứng… để gia tăng thị phần. Tin rằng với sự hỗ trợ từ Chính phủ, các địa phương và khu vực sẽ giúp cho doanh nghiệp ngày càng khẳng định được vị trí của mình trên thương trường, quay lại đóng góp, cống hiến cho xã hội. TS. Trần Ái Cầm nói thêm.
Các chuyên gia chia sẻ ý kiến tại diễn đàn
Trong khi đó bài tham luận của PGS.TS. Nguyễn Xuân Nhĩ – Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh và ThS. Chu Bảo Hiệp – Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lại đề cập đến vấn đề nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) sau đại dịch Covid-19. Sau khi phân tích bối cảnh kinh tế và xã hội và những biến động phức tạp sau đại dịch Covid -19, bài tham luận tập trung vào mối quan hệ giữa các yếu tố thuộc “Năng lực động” (Dynamic Capabilities) và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành này.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố như năng lực sáng tạo, năng lực hợp tác, lãnh đạo định hướng tri thức, năng lực thích nghi và năng lực tiếp thu có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại vùng ĐBSCL. Các kết quả nghiên cứu đã được kiểm chứng qua phương pháp SEM (Structural Equation Modeling), với các giả thuyết được chấp nhận về mối liên hệ giữa các yếu tố năng lực động và kết quả kinh doanh.
Bên cạnh đó, tham luận cũng đề cập đến các hàm ý chính sách, khuyến nghị cần áp dụng để cải thiện năng lực cạnh tranh và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành chế biến thủy sản tại ĐBSCL. Điều này bao gồm việc tập trung vào khuyến khích sáng tạo, hợp tác hiệu quả, lãnh đạo đổi mới và nâng cao khả năng thích nghi với môi trường thay đổi.
TS. Thái Hồng Thụy Khánh – Trưởng khoa Tài chính – Kế toán Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chia sẻ tại diễn đàn
Tại diễn đàn TS. Thái Hồng Thụy Khánh – Trưởng khoa Tài chính – Kế toán Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đã có một phần trình bày và phân tích về khung năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là một phương pháp quan trọng trong quản lý chiến luợc, giúp doanh nghiệp đánh giá và cải thiện vị thế cạnh tranh của mình trên thị truờng. Hai mô hình phổ biến thường được sử dụng trong phân tích này là: Mô hình Năm lực lượng cạnh tranh của Michael Porter và Ma trận McKinsey. Cả hai mô hình đều cung cấp cái nhìn tổng quan và chi tiết về các yếu tố tác động đến cạnh tranh của doanh nghiệp từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách trong việc áp dụng khung năng lực cạnh tranh cho Việt Nam nói chung và cho TP. HCM nói riêng. Những gợi ý này mang nhiều ý nghĩa quan trọng để nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia. Cụ thể, TP. HCM cần tận dụng các lợi thế sẵn có, đồng thời không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh, để từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế thế giới.
TS. Thái Hồng Thụy Khánh – Trưởng khoa Tài chính – Kế toán nhận hoa từ BTC chương trình
Tại Diễn đàn cũng đã Công bố Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp ở TP.HCM – Báo cáo này do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Viện Sáng kiến Việt Nam khảo sát, nghiên cứu và đánh giá. Báo cáo tập trung vào ba mục tiêu:
– Thứ nhất, phân tích kết quả hoạt động giai đoạn 2000-2023 để đánh giá vị thế hiện tại và sự thay đổi vị thế theo thời gian của lực lượng doanh nghiệp tại TP. HCM. Việc phân tích được chia làm các thời kỳ gồm: 2000-2010, 2010-2019 và 2019-2023 để thấy sự thay đổi dài hạn và tác động của dại dịch Covid 19 – một biến cố rất lớn gần đây.
– Thứ hai, đánh giá năng lực cạnh tranh nội tại và môi trường hoạt động của lực lượng doanh nghiệp ở TP.HCM. Việc đánh giá này dựa vào các số liệu có sẵn, khảo sát cảm nhận và đánh giá chủ quan của người đại diện các doanh nghiệp và những người có liên quan và am hiểu về lực lượng doanh nghiệp cũng như nền kinh tế TP.HCM, đặt trong bối cảnh cả nước và khu vực.
– Thứ ba, nêu ra các gợi ý để các doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác và phối hợp như hội và hiệp hội, và các cơ quan ban ngành của TP.HCM có thể tham khảo trong nỗ lực tạo dựng một lực lượng doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh cao, tạo ra nhiều của cải cho xã hội và việc làm cho người lao động.
TS. Huỳnh Thế Du – Giảng viên Đại học Indiana (Hoa Kỳ, thành viên Viện sáng kiến Việt Nam
Theo TS. Huỳnh Thế Du – Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ) thì TP. HCM vẫn là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp đặt trụ sở và tổ chức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của TP. HCM đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước. “Sức khoẻ” của các doanh nghiệp cũng đáng lo ngại. Cụ thể là, thành phố chỉ có duy nhất một doanh nghiệp góp mặt trong 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước vào năm 2022; không có doanh nghiệp nào trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500). Nếu chỉ xét các doanh nghiệp tư nhân, theo xếp hạng trên, trong nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất, năm 2010 thành phố có 5, nhưng đến năm 2022 chỉ còn 3. Trong danh sách Fortune 500 công bố vào tháng 6/2024, Việt Nam có 70 doanh nghiệp với 30 ở Hà Nội và 25 ở TP. HCM. 10 doanh nghiệp lớn nhất trong Fortune 500 thì Hà Nội có 6 và TP .HCM có 2… Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết có xu hướng đi xuống rõ rệt. Năm đầu 2010 chiếm khoảng 50% cuối năm 2022 còn chưa đến 1/3. Trong khi đó, Hà Nội lại có xu hướng ngược lại. Ngoài ra, các chỉ số về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người của TP.HCM giảm so với các thành phố trong khu vực.
“Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp ở TP. HCM” (Báo cáo) đã chỉ ra nguyên nhân khiến cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp TP. HCM giảm sút cả về “chất” và “lượng” đến từ tất cả các yếu tố, bao gồm: Chiến lược hoạt động của chính lực lượng doanh nghiệp chưa rõ ràng và hoạt động còn chưa hiệu quả; Trình độ phát triển cụm ngành còn khá khiêm tốn, thiếu vắng sự liên kết, tương hỗ; Môi trường kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn cách xa kỳ vọng của doanh nghiệp…
Theo đó, nhóm nghiên cứu cùng các chuyên gia đưa ra một số đề xuất, gợi ý giải pháp cho doanh nghiệp, các tổ chức hợp tác và chính quyền TP. HCM nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho đội ngũ doanh nghiệp thành phố, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Được biết, theo kế hoạch từ năm 2025, Diễn đàn PBCF sẽ có nội dung phân tích dữ liệu cho cả 63 tỉnh, thành; tổ chức khảo sát các cơ quan chức năng, hội doanh nghiệp; phân tích sâu về năng lực cạnh tranh cho một số địa phương được lựa chọn.
Thực hiện: Viết Phan