5 đội tuyển nào sẽ lọt vào vòng Chung kết Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can

Hôm nay 7/12/2019, 10 đội tuyển xuất sắc lọt phần thi thuyết trình vòng Bán kết Giải thưởng Tài Năng Lương Văn Can 2019 tiếp tục “tranh tài” tại Tòa soạn Báo Doanh Nhân Sài Gòn.

BGK_1575705203.jpg

Ban giám khảo chấm điểm các thí sinh tại phần thi thuyết trình

Các tác giả của 10 dự án xuất sắc đến từ các trường: ĐH Nông Lâm TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Nguyễn Tất Thành và ĐH Tây Nguyên lần lượt tham gia “tranh tài” ở phần thi thuyết trình gồm:

Chế phẩm sinh học TDMU E.M b (mã số 212): Với mong muốn phát triển một sản phẩm giúp sản xuất phân bón hữu cơ từ phế liệu hữu cơ – nguồn nguyên liệu giá rẻ, nhóm tác giả đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công các chế phẩm anpha và beta giúp ủ phân bón hữu cơ từ vỏ cà phê, từ phế liệu.

lvc1-9019-1575709901.jpg

Nhóm tác giả Huỳnh Văn Sĩ, Trương Diễm Linh và Phạm Tuấn Anh đang thuyết trình về chế phẩm sinh học TDM E.M.b

Dung dịch trùn quế thủy phân đa chức năng (mã số 213): Tác giả Huỳnh Nhật Toàn, Hoàng Phương Linh và Nguyễn Thị Mỹ Duyên. Dung dịch trùn quế thủy phân đa chức năng có thể sử dụng thay thế cho dung dịch vô cơ trong trồng rau thủy canh lẫn khí canh. Sản phẩm này giúp tiết giảm chi phí, tăng năng suất, giúp tạo ra các sản phẩm hữu cơ sạch và hạn chế việc sử dụng phân bón vô cơ, giảm các yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, người tiêu dùng cũng sẽ có được sản phẩm sạch, chất lượng với mức giá thấp hơn.

Mứt trái điều sấy dẻo Tâm Nhiên (mã số 207): Sản phẩm mứt trái điều sấy dẻo Tâm Nhiên từ nguyên liệu ban đầu là trái điều tươi có chứa các hợp chất có lợi như Flavonoic, acid phenolic, vitamin C, Fe và một lượng chất tanin (6,27g/l). Theo nhóm tác giả Bành Bách Nguyên, Nguyễn Phúc Kim Nguyên cùng Trương Thị Hằng, mứt trái điều sấy dẻo Tâm Nhiên sử dụng những trái điều phế phẩm của ngành trồng điều tỉnh Bình Thuận. Đây hoàn toàn là nguồn nguyên liệu sạch.

lvc2-8874-1575709901.jpg

Nhóm tác giả Huỳnh Nhật Toàn, Hoàng Phương Linh và Nguyễn Thị Mỹ Duyên đang thuyết trình về dự án Dung dịch trùn quế thủy phân đa chức năng

Hệ thống giám sát – điều khiển và cảnh báo cho vườn rau Triac Farm (mã số 214): Dự án này cung cấp cho người tiêu dùng hai dòng sản phẩm chính là Triac Farm – Hệ thống giám sát, điều khiển tự động, cảnh báo và xử lý sự cố cho vườn rau thủy canh sử dụng năng lượng mặt trời và TDM SW100 và TDM TF100 – dung dịch hữu cơ 100%, thủy phân từ trùn quế và rác hữu cơ sử dụng trong trồng rau thủy canh. Nhóm tác giả gồm Lê Quốc Trung, Nguyễn Trung Hiếu và Trần Minh Hưng.

Thùng rác thông minh FOW (mã số 205): Tác giả Huỳnh Tấn Long và Nguyễn Bảo Châu. Thùng rác thông minh này có khả năng tự động phân loại, xử lý rác hữu cơ sơ bộ ngay tại nguồn. Rác thải sẽ được nghiền, tách nước, cắt nhỏ và sấy khô, rồi phun trộn với dung dịch vi sinh để giảm đáng kể trọng lượng và mùi hôi. Đồng thời, rác sau khi thu gom có thể cung cấp cho các cơ sở sản xuất phân hữu cơ, hoặc bón trực tiếp cho cây trồng tại nhà.

Trồng nhân sâm bằng phương phương pháp khí canh trên quy mô công nghiệp (mã số 108): Với khát vọng nhắc tới Việt Nam sẽ nhớ tới sâm Ngọc Linh, nhóm tác giả Nguyễn Hữu Tuấn và Phạm Thị Như Quỳnh ấp ủ giải pháp trồng sâm Ngọc Linh thương phẩm, có giá trị dinh dưỡng ổn định, không phụ thuộc vào mùa vụ hay các yếu tố tác động bên ngoài.

Thảo mộc thiên nhiên (mã số 231): Đây là dòng sản phẩm tinh dầu thảo mộc và xà bông thiên nhiên với tên gọi Hương Cao Nguyên do nhóm tác giả Nguyễn Thanh Hương, Lê Nguyễn Trung Hiếu và Hoàng Văn Công nghiên cứu và phát triển. Kỳ vọng vào xu hướng sử dụng các sản phẩm tự nhiên không gây kích ứng, an toàn cho da đang dần thay thế hóa mỹ phẩm, nhóm tác giả tin rằng các sản phẩm chiết xuất hoàn toàn từ thiên nhiên với mùi hương đặc trưng sẽ được thị trường đón nhận.

lvc3-7938-1575709902.jpg

Nguyễn Thanh Hương đại diện nhóm tác giả trình bày dự án Thảo mộc thiên nhiên trước ban giám khảo

Đũa Việt (mã số 233): Đây là loại đũa có thể kết hợp với Kít thử chất lượng thức ăn với 1 số chỉ tiêu nhất định, được nhóm tác giả đề xuất sử dụng nguyên liệu từ sơ dừa. Nhóm tác giả gồm Nguyễn Việt Cường và Đoàn Minh Thành kỳ vọng sẽ mang lại những sản phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội, hỗ trợ sinh kế cho người dân và góp phần duy trì các làng nghề.

Sản xuất nấm phôi đen (mã số 210): Đây là loại nấm do nhóm thí sinh Phạm Thị Hồng Gấm, Phạm Thanh Hải và Nguyễn Thị Thu Thảo phát triển. Theo nhóm tác giả, loại nấm này không chỉ chứa nhiều công dụng như giúp hạ huyết áp, chống ung thư, tăng cường khả năng miễn dịch, mà còn được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn.

Mì bí đỏ (mã số 202): Nhóm thí sinh Cao Hoàng Việt Cường, Nguyễn Đăng Khôi và Nguyễn Ngọc Thảo My đưa ra là sản phẩm mì trứng bí đỏ không chiên ViX. Mì được sản xuất từ bột bí đỏ (bào chế từ quả bí đỏ) và kết hợp với mì tạo thành “mì bí đỏ”. Giải pháp này tận dụng được nguồn nguyên liệu dồi dào, cùng triển vọng lớn của ngành mì, nhóm thí sinh hy vọng có thể mang đến một sản phẩm mì không chiên mới lạ, đầy đủ dưỡng chất, và hướng đến mục tiêu thay thế các sản phẩm mì gói khác cũng như bữa ăn hàng ngày.

Sau phần thi thuyết trình, Ban giám khảo sẽ lựa chọn 5 đề án xuất sắc nhất vào vòng Chung kết. Dự kiến kết quả phần thi này sẽ được công bố vào ngày 9/12/2019. Vòng chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3/1/2020 tại khách sạn Rex, TP.HCM.

Kết quả Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can sẽ được công bố trên các ấn phẩm của Báo Doanh Nhân Sài Gòn và website tại địa chỉ www.luongvancan.vn.

Call Now